Ô nhiễm môi trường, thuốc lá, khói bụi, thay đổi thời tiết là những yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm xoang, viêm mũi dị ứng.
Viêm xoang có thể gặp ở nhiều lứa tuổi và đối tượng khác nhau, đặc biệt là ở đối tượng lao động do thường xuyên phải tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh.
Cứ nghĩ viêm mũi dị ứng nên chủ quan không đi khám
Trong cuộc sống thường nhật, có không ít người có biểu hiện hắt hơi liên tục, chảy nước mũi trong, ngạt mũi không cần thăm khám tự cho rằng mình đã bị cảm, sau đó vội vã dùng thuốc cảm (giảm đau, hạ sốt). Sau đó, bệnh không những không khỏi mà còn biến chứng nặng hơn.
Trường hợp anh Nguyễn Ngọc Duy (30 tuổi – làm việc tại Hà Nội) là một điển hình. Anh Duy là công nhân cầu đường, do công việc thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, khi thấy có các dấu hiệu đau nhức vùng xương hàm, nghĩ do làm việc nặng kèm theo ô nhiễm môi trường đường sá nên mới bị như vậy, anh ra quầy dược mua thuốc giảm đau về uống.
Dùng thuốc gần hai tuần không tiến triển, cho rằng viêm mũi dị ứng đơn thuần dần dần sẽ khỏi. Đến khi cơn đau nặng lên kèm theo nhiều triệu chứng phức tạp như sổ mũi, chảy mũi anh mới bắt đầu tìm đến cơ sở chuyên khoa thăm khám thì được kết luận bị viêm xoang.
Tại Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung Ương, bệnh nhân Duy được chẩn đoán viêm xoang cấp tính, tức là đang ở giai đoạn ban đầu. BN được chỉ định điều trị nội khoa, chưa cần thiết phải can thiệp ngoại khoa như nhiều ca mãn tính khác.
Các bác sĩ cho biết, viêm xoang thường khởi phát sau mỗi đợt cảm cúm, với các biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, đau đầu. Viêm xoang thường hay tái phát nếu người bệnh chủ quan và điều trị không dứt điểm. Bệnh dễ mắc vào mùa lạnh.
Tuy nhiên, những ngày nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là môi trường khí hậu thay đổi thường xuyên như hiện nay thì số bệnh nhân mắc các bệnh về mũi như viêm mũi dị ứng, viêm xoang cũng không phải ít.
Phòng bệnh viêm mũi, viêm xoang lúc giao mùa
Bệnh đường hô hấp diễn biến thường khó lường nên cần phải có sự phòng ngừa, và điều trị đúng để không gặp phải những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh viêm xoang, viêm mũi lúc giao mùa:
– Luôn luôn giữ ấm là điều rất quan trọng trong mùa lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi khi trời lạnh.
– Dùng khẩu trang hoạt tính khi đi ra ngoài đường không những giữ ấm được mũi mà còn hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn.
– Làm ấm vùng mũi mỗi khi tỉnh dậy vào buổi sáng bằng cách dùng hai bàn tay chụp lại hai bên vùng cánh mũi và miệng.
– Không tắm nước lạnh mà cần tắm nước nóng, tắm nhanh trong buồng kín gió, lau thân mình và đầu, mặt, cổ thật khô và mặc quần áo ngay.
– Vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý.
Bác sĩ Dinh khuyến cáo, khi có biểu hiện bất thường ở đường mũi, cần tin tưởng và tìm đến bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị nhanh và hiệu quả, an toàn, không nên sử dụng cây cỏ quanh ta để tự chữa.
Quá trình điều trị cần sự kiên trì bền bỉ, bởi xưa nay mọi người vẫn hay ví von lai rai như tai mũi họng là vậy, đặc biệt cần giữ mũi luôn sạch sẽ, thông thoáng. Sử dụng thuốc theo đơn kê đúng lịch trình.