Trước thực trạng phát triển cũng như mục tiêu của ngành dược liệu Việt Nam và nhu cầu phòng và chữa bệnh của người dân nói chung, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục quản lý dược Việt Nam phối hợp cùng báo Tiền Phong và Công ty CP Truyền thông Bách An tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong phát triển và chiết xuất dược liệu sạch”.
Hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo cơ quan chuyên nghành (Bộ Y tế, Cục quản lý dược…), các chuyên gia, giáo sư, bác sĩ đầu nghành trong công tác giảng dạy và nghiên cứu dược liệu.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất tân dược và 80 doanh nghiệp sản xuất đông dược. Ngoài ra, có hơn 300 cơ sở sản xuất đông dược. Cùng với phát triển về số lượng, chất lượng thuốc ngày một nâng cao, nhất là khi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị trong nước nhập khẩu thiết bị, mua dây chuyền công nghệ hiện đại cũng như tăng cường sản xuất nhượng quyền các sản phẩm công nghệ cao. Tuy có bước phát triển mạnh, nhưng so với một số nước phát triển trên thế giới thì ngành dược Việt Nam còn khá non trẻ.

Theo đánh giá của WHO, công nghiệp dược Việt Nam ở mức đang phát triển, có công nghiệp dược nội địa, gia công thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập khẩu là chủ yếu, công nghiệp sản xuất nguyên liệu chưa phát triển. Thực tế cho thấy, phần lớn các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc có dạng bào chế đặc biệt vẫn phải nhập khẩu. Việc đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp bào chế dược vẫn còn trùng lặp, chưa chú ý đầu tư sản xuất các loại thuốc có dạng bào chế mới như thuốc phóng thích chậm, thuốc đặt, thuốc cấy dưới da… Ðối với nền công nghiệp sản xuất nguyên liệu hóa dược cũng còn ở mức thấp, khi cả nước mới có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp. Thống kê mới đây của Cục Quản lý dược Việt Nam cho thấy, năm 2008, thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 50,18% nhu cầu sử dụng với 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập từ nước ngoài

Có mặt tại hội thảo, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất dược liệu uy tín hàng đầu tại Việt Nam như Dược phẩm quốc tế Á Châu, Nam Dược, Domesco, Trà Tâm Lan, Traphaco… cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhìn lại chặng đường thực hiện đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” của Chính phủ.

TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý dược – Bộ Y tế cho biết, hiện nay nhu cầu về thuốc của nhân dân ta rất lớn. Tính theo giá trị kinh tế, năm 2011, khoảng trên 2,4 tỷ USD và nhu cầu này tăng lên theo hằng năm với mức độ khoảng trên 20%/năm (năm 2011 cao hơn 2010 27%).

Theo ông Cường, năm 2013, Bộ Y tế giao cho Cục quản lý Dược làm đầu mối xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về dược liệu giai đoạn 2013 – 2020 và tầm nhìn đến 2030. Dự thảo Chiến lược sẽ nhằm mục tiêu đáp ứng đủ dược liệu tốt cho sản xuất thuốc từ dược liệu, thuốc đông y và các sản phẩn từ dược liệu cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Chiến lược sẽ bảo đảm các hoạt động về quy hoạch nuôi trồng dược liệu, nghiên cứu khoa học về dược liệu; sản xuất, chiết xuất dược liệu sạch, kinh doanh dược liệu và sản xuất thuốc từ dược liệu, thuốc đông y và các sản phẩn từ dược liệu cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Cũng tại hội thảo, Cục Quản lý Dược của Bộ Y tế cho biết, hiện nay dược liệu có nguồn gốc trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Tình trạng khai thác quá mức dược liệu đã làm nguồn dược liệu quý trong nước đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Theo đó, một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phát triển dược liệu trong thời gian tới là xây dựng hồ sơ 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường để trình Thủ tướng chính phủ ban hành cơ chế để khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu trong nước.

Phát biểu tại hội thảo, TTND. PGS. TS. Trần Quốc Bình – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TW đã đưa ra một vấn đề áp dụng công nghệ cao trong chế biến thuốc cổ truyền. Ông khẳng định, vấn đề áp dụng công nghệ cao trong chế biến thuốc đông y chính là giải pháp để có thể hiện đại hóa thuốc y học cổ truyền, con đường tất yếu để phát triển thuốc cổ truyền.

Theo PGS Bình, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 và tầm nhìn đến 2020 đã nhấn mạnh: “Phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu Việt Nam và thuốc y học cổ truyền, đẩy mạnh công tác quy hoạch, nuôi trồng và chế biến dược liệu, xây dựng ngành công nghệ bào chế thuốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền thành một phần quan trọng của ngành dược Việt Nam”.

Và mục tiêu cũng đã được cụ thể hóa là đảm bảo số lượng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền đạt 30% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu có tính chiến lược trong phát triển dược Việt Nam, giải pháp đã được đưa ra là tập trung nghiên cứu và hiện đại hóa công nghệ chế biến, sản xuất các thuốc có nguồn gốc dược liệu.

Trả lời

Close Menu